Erich Wulff: loài nhai lại
Lữ Giang
Năm nay, kỷ niệm 50 năm ngày xảy ra biến cố trước đài phát thanh Huế tối 8.5.1963, nhiều tạp chí và websites đã nhắc lại biến cố này.
Có hai tài liệu lịch sử quan trọng liên quan đến biến cố này: (1) Bản cáo trạng vụ án Đặng Sỹ và các cuộc tranh luận trước tòa vào tháng 4 năm 1964. (2) Bản phúc trình của Phái Đoàn LHQ điều tra về vụ Phật Giáo 1963. Nhưng các nhà tranh đấu và các "sử gia" Phật Giáo rất ghét hai tài liệu này vì nó nói lên những sự thật hoàn toàn khác với những gì họ đã bịa đặt ra trong suốt 50 năm qua. Một trong những tài liệu bịa đặt được họ trân trọng và coi là "bằng chứng lịch sử", đó là cuốn hồi ký "Viêtnamesische Lehrejahre» (Những năm dạy học ở Việt Nam) của Bác sĩ Erich Wulff. Cuốn hồi ký này đã viết những gì mà được các nhà tranh đấu và các "sử gia" Phật giáo trân trọng? Trước khi nói về cuốn hồi ký đó, cần phải tìm hiểu qua Erich Wulff là ai.
MỘT TÊN PHẢN CHIẾN
Erich Wulff sinh 1926 là một bác sĩ về tâm thần người Đức mới tốt nghiệp năm 1960 đã được đưa qua dạy tại trường Ðại học Y khoa Huế từ 1961 đến 1967 trong chương trình viện trợ giáo dục của Tây Ðức. Ông thường đến gặp Thích Trí Quang ở chùa Từ Đàm, nên những gì ông viết gần như phản ảnh luận điệu tuyên truyền của Thích Trí Quang.
Erich Wulff gặp Thích Trí Quang ở chùa Từ Đàm
Sau khi trở về Tây Đức năm 1967, ông tham gia phong trào phản chiến và đã đến trước cái gọi là "Tòa Án Quốc Tế và Tội Ác Chiến Tranh" (The International War Crimes Tribunal) được các nhóm phản chiến thành lập ở Thụy Sĩ, đọc một bản điều trần dưới đầu đề là "Testimony from South Vietnam" (Lời chứng từ Nam Việt Nam) tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Lúc đó, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cũng đã gởi Nguyễn Văn Đồng tới tham dự và đọc tham luận tại "phiên tòa" này.
Năm 1968 ông cho xuất bản cuốn Hồi ký «Viêtnamesische Lehrejahre» (Những năm dạy học ở Việt Nam) trong đó nói nhiều đến chế độ Ngô Đình Diệm và biến cố trước đài phát thanh Huế ngày 8.5.1963. Đây là cuốn hồi ký được nhóm Phật Giáo đấu tranh đội lên đầu ví nó chứa đựng nhiều ngụy sử mà họ đã mớm cho ông ta nhai lại.
Sau chiến tranh, ông đã trở lại thăm Việt Nam nhiều lần và lần cuối cùng là vào tháng 5/2008 nhân dịp Đảng CSVN tổ chức kỷ niệm Đại lễ Phật Đản LHQ Vesak 2552 tại Hà Nội và sau đó ghé thăm Huế. Trở lại Pháp, ông viết cuốn «Viêtnamesische Versoehnung» (Hòa giải Việt Nam) và xuất bản cuối năm 2009, ghi lại những cảm nghĩ về chuyến đi nói trên và cổ võ cho phong trào "hòa hợp hòa giải" của Đảng CSVN. Ông qua đời ngày 31.1.2010.
Đa số những chuyện được ghi trong cuốn Cuốn "Viêtnamesische Lehrejahre» và lời chứng "Testimony from South Vietnam" chỉ là nhai lại các luận điệu của nhóm Phật Giáo Ấn Quang, nhất là luận điệu phản chiến của Thiền Sư Nhất Hạnh, vì thế có thể coi ông như là loài nhai lại (ruminant).
NHAI LẠI CỦA NHÓM TRÍ QUANG
1.- Nhai lại luận điệu chống Công Giáo
Đọc cuốn "Viêtnamesische Lehrejahre», chúng ta thấy ông đã nhai lại các luận điệu chống Công Giáo của Thích Trí Quang và nhóm Phật Giáo Ấn Quang. Sau đây là một vài thí dụ cụ thể :
"Tôi cũng có nghe nói đến trường hợp nhiều người đã theo phe kháng chiến Việt minh hay những phe đối lập chính trị khác đã phải đổi theo đạo Thiên chúa để khỏi bị công an làm khó dể…"
"Có một tin đồn nói rằng Tổng giám mục Thục muốn đổi đạo cho một phần ba dân số Việt nam để hy vọng sẽ được phong làm Hồng y. Tôi cũng biết rằng Giáo hội Thiên chúa giáo là tôn giáo duy nhất tại Việt nam được công nhận như là một hiệp hội công cộng, trong khi đó Phật giáo phải bằng lòng với tư cách của một hiệp hội tư, không khác gì một hội đá banh…"
Thật ra, những luận điệu này không phải chỉ được nhóm Phật giáo đấu tranh nêu lên để chống chế độ Ngô Đình Diệm mà còn được nêu lên sau khi chế độ này không còn nữa. Một thí dụ cụ thể: Ngày 3.8.1964 Thượng Tọa Thích Thiện Minh đã dẫn một phái đoàn đến gặp Tướng Nguyễn Khánh tố cáo Phật tử bị bắt ở Duy Xuyên, bị đốt nhà ở Tuy Phước, bị sát hại ở An Thạch… và đổ việc này cho "Cần Lao Công Giáo". Nhưng chính quyền đã cho điều tra và khám phá ra những người bị bắt là những cán bộ cộng sản nằm vùng trong các khuôn hội Phật Giáo!
Như chúng tôi đã nói, ngày 20.12.1963, Đại Sứ Fernando Volio Jimenez của Costa Rica trong phái đoàn điều tra LHQ về vụ Phật Giáo đã nói với hãng thông tấn NCWC:
"Cảm tưởng của riêng tôi là không có chính sách kỳ thị, áp bức hay khủng bố đối với Phật Giáo trên căn bản tôn giáo. Những khai báo về phương diện này thường là nghe nói, và trình bày một cách mơ hồ và tổng quát."
Erich Wulff đã nhai lại những luận điệu nói trên với những chữ mở đầu mơ hồ như "Tôi cũng có nghe…" hay "Có một tin đồn rằng…" Một người trí thức và có lương tâm không ai viết như thế. Điều này chứng tỏ ông có ác ý (malice).
2.- Phịa chuyện đại bác nổ trước đài phát thanh Huế
Về biến cố trước đài phát thanh Huế tối 8.5.1963, Erich Wulff đã viết những điều "mắt thấy tai nghe" như sau:
"Và rồi những phát đạn đầu tiên được bắn ra từ nòng súng ca nông của xe thiết giáp; chúng tôi nghe khoảng 10 phát súng nổ kêu vang và khô khan. Như những người chung quanh, Tý và tôi nằm rạp xuống đất. Tôi có thể nhìn thấy rõ ràng đầu ngọn lửa phát ra từ họng súng của hai chiếc xe án ngự nơi bồn tròn nằm phía đầu cầu Trường tiền. Sau tiếng súng là một chập im lặng.
"Chúng tôi hỏi các người cảnh sát, có gì trầm trọng không. Họ nói không biết gì và khuyên chúng tôi nên vào nhà thương xem thử sao…"
"Dưới ánh sáng yếu ớt của đèn bạch lạp, chúng tôi thấy có bảy thân người đầy máu me được đặt trên ba bàn khám nghiệm bằng đá. Từ chân đến ngực thân thể họ còn nguyên vẹn. Nhưng năm cái xác – tất cả là trẻ em- thì không còn đầu. Nơi một người phụ nữ thì có những vết đạn bắn vào cánh tay, vai và cổ. Các xe thiết giáp đã bắn nát đầu các em thiếu nhi, có lẽ vào lúc các em leo qua hàng rào của Đài phát thanh và nhô đầu ra trước…"
Trong khi đó Thiền sư Nhất Hạnh và một số "sử gia" của Phật Giáo Ấn Quang lại viết khác:
"Xe thiết giáp cán vỡ đầu một thiếu nhi, sọ em nát vụn. Một thiếu nhi khác bị cán mất nữa đầu, và một em khác nữa mất hẵn đầu..."
[Nguyễn Lang (tức Nhất Hạnh), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập III, Lá Bối, Hoa Kỳ, 1985, tr. 361 – 365]
Khi Erich Wulff nói các nạn nhân bị đại bác bắn thì nhóm Nhất Hạnh nói các nạn nhân bị xe thiết giáp cán, vậy ai đúng ai sai?
Câu trả lời: Cả hai đều vọng ngữ!
1.- Ba chiếc xe thiết giáp được Đặng Sỹ xử dụng hôm đó không có đại bác.
Trung Tá Phan Xuân, người làm Tỉnh Đoàn Trưởng Tỉnh Đoàn Bảo An Thừa Thiên trước khi Đại Úy Nguyễn Kinh Lược đến thay thế, xác nhận với chúng tôi rằng các xe thiết giáp được xử dụng hôm đó là Commando Car loại half-trach do Mã Lai viện trợ cho Bảo An VNCH. Tỉnh Đoàn Bảo An Thừa Thiên được cấp 6 chiếc và hôm đó chỉ xử dụng 3 chiếc. Loại xe này không có đại bác trên xe, và xe chạy bằng bánh cao su (xem hình).
Người chỉ huy 3 xe thiết giáp hôm đó là Trung Úy Nguyễn Kỳ. Trung Úy này đã bị thủ tiêu trước khi Tòa xử vụ Đặng Sỹ vì sợ lời khai của ông ta có lợi cho Đặng Sỹ.
Theo hồ sơ, khi Đặng Sỹ dẫn toán dẹp biểu tình đến trước khách sạch Morin thì nghe một tiếng nổ lớn ở trên đài phát thanh nằm bên kia đường Lê Lợi. Đài này được xây theo hình chữ D, quay mặt về cầu Trường Tiền, có rào bọc chung quanh.
Sợ có biến loạn, Thiếu Tá Sỹ đã ra lệnh cho các binh sĩ ở phía sau ném lựu đạn MK3 trên các đường Lê Lợi và Duy Tân để những người biểu tình hoảng sợ và bỏ chạy. Đặng Sỹ làm gì có đại bác mà bắn? Những tiếng nổ lớn mà Erich Wulff nghe là tiếng nổ của lựu đạn MK3 chứ không phải tiếng nổ của đại bác.
Tám thiếu nhi đều bị tử thương trên thềm đài phát thanh chứ không phải khi leo qua hàng rào như Erich Wulff đã nói. Đài này xây trên nền cao bằng 9 bậc cấp, chung quanh đài lại có vòng rào, xe nào có thể leo lên đó để cán?
2.- Tám em đã bị chết vì một chất nổ hơi cực mạnh
Trong một công điện đánh đi lúc 1 giờ sáng ngày 9.6.1963, Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn đã báo cáo rằng "những người chết hôm 8 tháng 5 là do sự chấn động hơn là do các lựu đạn có mãnh" (May 8 deaths resulted from concussion than fragmentation grenades).
[FRUS, 1961 – 1963, III, tr. 366 – 369].
Bác Sĩ Nguyễn Văn Huệ thuộc Bệnh Viện Trung Ương Huế là người có tuyên thệ trước tòa án để làm giám định y khoa (extertise médicale), đã khám nghiệm các tử thi và ghi vào giấy chứng nghiệm y khoa (certificat médicale) như sau:
"Các nạn nhân đều bị chết vì vỡ sọ và bị thương tích ở phần trên, không bị thương ở phần dưới người và đều bị một thể thương tích gióng nhau như là bị hơi thổi với sự nổ (souffle avec éclatement) do một thứ khí giới rất mạnh nổ hay làm tổn thương cách mặt đất vào khoảng 80 đến 100 phân tây."
Như vậy các em đã bị tử thương không phải vì bị đạn đại bác hay vì xe cán mà vì một chất nổ hơi cực mạnh
Các cuộc tranh luận trước Tòa Án Cách Mạng vào tháng 4/1964 cho thấy tòa không thể xác định chất nổ trên thềm đài phát thanh là chất nổ gì và ai đã ném. Ủy Viên Chính Phủ nói đó là MK3, nhưng luật sư Nguyễn Khắc Tân bênh vực cho Đặng Sỹ đã đưa ra các tài liệu dẫn chứng rằng MK3 không có sức công phá mạnh như vậy: Các cửa kính của đài đều bị bể và trần nhà sụp xuống ở một vài nơi. Theo luật sư, có thể đó là TNT hay C4. Đây là những thứ chất nổ VNCH lúc đó chưa có.
Báo chí thời đó đã đăng cuộc tranh luận này và Thiền sư Nhất Hạnh cũng như Erich Wulff cũng đã đọc hay nghe kể lại. Ấy thế mà Thiền sư nhất Hạnh dám bảo "Xe thiết giáp cán vỡ đầu" còn Erich Wulff ghi rằng "Các xe thiết giáp đã bắn nát đầu các em thiếu nhi,…"
Đây là lối viết của những kẻ thiếu lương tâm.
NHAI LẠI CỦA NHẤT HẠNH
Về chiến tranh Việt Nam, Erich Wulff viết đúng theo kiểu mà Thiền sư Nhất Hạnh đã viết trong cuốn "Việt Nam, Lotus in a Sea of Fire, a Buddist Proposal for Peace" (Việt Nam, Hoa Sen trong Biển Lửa, một Đề Nghị Hòa Bình của Phật Giáo), tức viết bản cáo trạng lên án Hoa Kỳ và VNCH vi phạm tội ác chiến tranh và nguỵ hòa.
Trong «Lời chứng từ Nam Việt Nam» (Testimony from South Vietnam) Erich Wulff bắt chước Thiền sư Nhất Hạnh phịa ra những chuyện về tội ác của Mỹ, chẳng hạn như chuyện ông 'X' 30 tuổi ở tỉnh Quảng Điền (?) bị bắt vì nghi là Việt Cộng, bị đá vào ngực, đầu, bụng rồi bị tra điện, ông ta không chịu nổi phải ký giấy thú nhận và bị tù 4 năm. Một cô gái trẻ 20 tuổi ở tỉnh Tun Tan (?) cũng bị bắt gióng trường hợp ông 'X', bị tra tấn và đánh đập bằng gậy và bị tra điện. Cô cũng phải ký giấy thú nhận và bị tù 2 năm, v.v.
Ông cho rằng vì những tội ác của Mỹ nên các thanh niên Phật tử đã bỏ đi theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Và ông đi đến kết luận:
"Nhiều người đơn giản, không suy nghĩ quá nhiều, mà chỉ nhìn những gì trước mắt họ. Đặc biệt là trong giới trẻ, chúng ta tìm thấy một nhận thức ngày càng tăng rằng Mặt trận Giải Phóng đã trở thành một thực thể duy nhất đang tồn tại ở Việt Nam được sự ủng hộ của đại đa số người Việt. Ý thức này tương đối mới trong tầm vóc của nó.
"Chính phủ của Thiệu và Kỳ đã dẹp tan cuộc nổi dậy của Phật giáo. Về lâu về dài người ta hy vọng rằng các Phật tử có thể tạo thành một loại lực lượng thứ ba giữa Mặt Trận và người Mỹ. Hy vọng này đã bị phá hủy và không còn tồn tại.
"Vì thế, kết quả là nhiều thanh niên đầu tiên thuộc phong trào Phật giáo trở thành thành viên của Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng. Những gì đang xảy ra không chỉ là người Mỹ đang sản xuất người tị nạn, nhưng họ đang sản xuất càng ngày càng nhiều người quốc gia Việt Nam có ý thức sẵn sàng chiến đấu chống lại họ."
MẶT TRÁI CỦA CON BÀI ERICH WULFF
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, nhóm Phật giáo đấu tranh, nhất là nhóm Giao Điểm, đã cố gắng huyền thoại hóa Erich Wulff và biến ông thành một thứ "Bố tát" có thể biện minh cho những sai lầm của họ. Nhưng cũng như Thiền sư Nhất Hạnh, những gì Erich Wulff viết chẳng những không "hóa giải" được những sai lầm của nhóm Phật Giáo Ấn Quang mà còn làm cho những sai lầm đó rõ nét hơn. Đối với những người tranh đấu cho tự do dân chủ, Erich Wulff chỉ là một tên nối giáo cho giặc.
Ngày 30.5.2013
Lữ Giang
No comments:
Post a Comment